Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 – 13/10/1923)

Thứ ba - 10/10/2023 19:05 187 0

        Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2023), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

 

        

         Đồng chí Lương Khánh Thiện

ĐỀ CƯƠNG
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH
ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN (13/10/1903-13/10/2023)

---

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.

Từ năm 1923 đến 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện rời quê ra thành phố Hải Phòng xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó thường gọi là Trường Bách nghệ), Đồng chí sớm hòa nhập và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, như tham gia vận động học sinh bãi khóa, đòi nhà cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu Trinh…

Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi; năm 1927, Đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Năm 1928, Đồng chí trở lại Hải Phòng và thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong phong trào công nhân. Tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng.

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.

Giữa năm 1929, Đồng chí bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; ngày 29/01/1931 chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án Đồng chí mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó mùa hè năm 1931, Đồng chí bị đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.

Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).

Ngày 29/12/1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 01/1939, Đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Sau đó, Đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10/1940, Đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng.

Tháng 01/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2/9/1941, Đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ LƯƠNG KHÁNH THIỆN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Lương Khánh Thiện - tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; đã giúp cho người thanh niên Lương Khánh Thiện sớm hình thành nhân cách, nghị lực và lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Trong thời gian học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Sau khi thôi học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, tháng 3/1926 đồng chí Lương Khánh Thiện vào làm thợ cơ khí tại nhà máy Sợi (Nam Định). Tại đây, chứng kiến cuộc sống của công nhân, người lao động bị giới chủ vắt kiệt sức, cơm không đủ ăn, ốm đau, bệnh tật không có thuốc thang, Đồng chí đã vận động công nhân thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu… để đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi quyền lợi và giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn về đời sống. Đồng chí luôn đi sát với công nhân, tuyên truyền giáo dục để họ nhận thức nguồn gốc sự áp bức, bóc lột dã man. Năm 1927, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, Đồng chí trở lại Hải Phòng, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” ở Nhà máy Sợi, Nhà máy Chai. Đồng chí đã tích cực đưa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào các phong trào yêu nước, nhất là phong trào công nhân, nông dân và học sinh, xây dựng cơ sở quần chúng; vận động, thu hút công nhân tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hướng tới việc thành lập Đảng Cộng sản.

Sau khi được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng (tháng 4/1029), đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công phụ trách cơ sở Nhà máy Chai và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và đời sống; các cuộc bãi công của công nhân kéo dài hằng tuần và được hưởng ứng rộng rãi trên địa bàn Hải Phòng, buộc giới chủ phải chấp nhận nhiều yêu sách của công nhân. Lo ngại sự bùng phát của các cuộc đấu tranh, bãi công nên chính quyền thực dân lùng bắt những người lãnh đạo phong trào công nhân, trong đó có đồng chí Lương Khánh Thiện.

Tháng 6/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt, đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; địch đã dùng mọi thủ đoạn, hình thức tra khảo, đánh đập Đồng chí nhưng không thể khai thác được gì. Ngày 20/6/1929, chính quyền thực dân Pháp đưa đồng chí Lương Khánh Thiện về xử ở tòa đề hình tại thị xã Kiến An và kết án 2 năm tù giam, 5 năm đi đày biệt xứ. Đồng chí Lương Khánh Thiện và các chiến sĩ cộng sản đã biến phiên tòa thành diễn đàn vạch trần tội ác của thực dân Pháp, đồng thời tuyên truyền chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng là đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, giành độc lập dân tộc, tự do, dân chủ cho Nhân dân.

Ngày 29/01/1931, chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án đồng chí Lương Khánh Thiện mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), để chờ ngày đưa đi đày nhà tù Côn Đảo. Trong nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn là người đi đầu đấu tranh dũng cảm, kiên quyết; vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, xây dựng một số tổ chức quần chúng như Lao tù Hội, Hội đồng Thập tự, Ban trật tự… để tập hợp quần chúng, tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Trước tinh thần đoàn kết và đấu tranh có tổ chức, nền nếp của các chiến sĩ cộng sản, phía địch phải dần nhượng bộ.

Tháng 7/1931, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều tù nhân chính trị bị địch đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo, bị giam ở Banh 2 cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh… Đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức học tập nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá chủ nghĩa cộng sản... Trước sự hà khắc, đày ải của nhà tù Côn Đảo, những người tù chính trị ở Banh 2 quyết định kêu gọi anh em đoàn kết, thống nhất đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, đòi một số quyền tự do, dân chủ tối thiểu, đồng thời mở các lớp học trong tù để nâng cao trình độ văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho anh em, tạo niềm tin vào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu; Ban Lãnh đạo chung toàn Banh được thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Ban đại diện tù nhân Banh 2.

Những năm tháng trong “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí của mình không chỉ đấu tranh với bọn cai ngục mà còn đấu tranh với những người tù Quốc dân đảng; Đồng chí đã trực tiếp cảm hóa, thu phục được nhiều người tù Quốc dân đảng tham gia cách mạng. Trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Qua thực tiễn đấu tranh gian khổ trong lao tù, đã giúp Đồng chí trở thành một trong những người lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng.

Năm 1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương phát triển mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho các tù nhân chính trị. Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và bước vào chặng đường đấu tranh mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Trở về Hà Nội, từ cuối năm 1936 đến năm 1937, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng tập thể Xứ ủy lâm thời và Thành ủy Hà Nội đã tích cực lãnh đạo các phong trào dân chủ, dân sinh. Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Hà Nội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhằm mục tiêu đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi lập nghiệp đoàn… Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân ở các địa phương khác ở Bắc Kỳ cũng nổ ra mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc tổng bãi công của công nhân mỏ Hồng Gai, Cẩm Phả (30.000 người tham gia), công nhân may Hà Nội (hơn 2.000 người tham gia), công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng (3.000 người tham gia)… Các cuộc đấu tranh, đình công của công nhân ngày càng có quy mô, tổ chức chặt chẽ và thu được nhiều thắng lợi.

Đồng chí Lương Khánh Thiện còn tham gia lãnh đạo các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ, đưa người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ (tháng 01/1937) và đã trúng cử với số phiếu cao. Đây là một thắng lợi của những chiến sĩ cộng sản trên lĩnh vực đấu tranh nghị trường. Đặc biệt, trong việc tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại khu Đấu Xảo(1) (Hà Nội), nhằm biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân và nông dân, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo tập hợp lực lượng quần chúng tham gia. Cuộc mít tinh đã thu hút 25.000 người tham gia gồm công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh, nhà báo, nhà văn; tạo sự tưng bừng, khí thế cách mạng, công khai, có tổ chức; các bài diễn văn, phát biểu đã công khai vạch trần những chính sách bóc lột tàn nhẫn của chính quyền phản động thuộc địa; đòi quyền tự do dân chủ, ban hành luật lao động, giảm thuế, chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình.

Tháng 1/1941, trên đường đi công tác để nắm tình hình, chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn liên tục của kẻ thù, Đồng chí vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất. Biết không thể khuất phục được đồng chí Lương Khánh Thiện, ngày 1/9/1941, thực dân Pháp đã xử bắn Đồng chí tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng). Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Lương Khánh Thiện là hiện thân tiêu biểu của tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và hạnh phúc của Nhân dân.

2. Đồng chí Lương Khánh Thiện - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1941, thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí Lương Khánh Thiện hoạt động không mệt mỏi xây dựng các căn cứ, khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong cấp ủy các cấp từ chi bộ cơ sở, đảng bộ các thành phố lớn, đảng bộ liên tỉnh, lãnh đạo xứ ủy, thành ủy, khu ủy. Ở cương vị nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng và Nhân dân.

2.1. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội

Trước tình hình cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Bắc kỳ bị đánh phá, bị vỡ từ năm 1932 chưa lập lại được, cuối năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tham gia sáng lập Ủy ban sáng kiến, làm nhiệm vụ khôi phục cơ sở cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở Bắc kỳ và bắt mối liên hệ, quy tụ các đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban sáng kiến, trong đó có hoạt động tích cực của đồng chí Lương Khánh Thiện, các cơ sở đảng được khôi phục và tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, ở các trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Quảng Ninh, Nam Định. Một số địa phương tiến tới thành lập các cơ quan lãnh đạo như huyện ủy, tỉnh ủy, thành ủy. Cùng với sự khôi phục của tổ chức đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Bắc Kỳ cũng từng bước lên cao. Nhu cầu tái lập Xứ ủy Bắc kỳ trở nên bức thiết và có điều kiện thực hiện.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng, vào tháng 3/1937, các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến và đại biểu của các tổ chức đảng ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… tổ chức cuộc họp tại Hà Nội thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ. Đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu vào Thường vụ Xứ ủy, được cử làm Bí thư lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Xứ ủy chỉ đạo xuất bản các tờ báo Tin tức, Đời nay, phát hành công khai các tờ báo làm phương tiện tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng. Hội nghị tiếp tục quyết định Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ Lương Khánh Thiện trực tiếp phụ trách việc khôi phục tổ chức, tái lập Thành ủy Hà Nội.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn (3/1937 - 9/1937), đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo củng cố và hoàn thành việc kiện toàn Xứ ủy. Đồng chí rất chăm lo đào tạo cán bộ để chuẩn bị lực lượng nhằm giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Hằng ngày, Đồng chí bí mật tới các nhà máy, xóm làng tìm chọn những nhân tố tích cực để giác ngộ, đào tạo họ trở thành cán bộ của Đảng, đồng thời tuyên truyền cho họ biết về Đảng Cộng sản Đông Dương là đội tiền phong cách mạng, tập hợp những phần tử ưu tú nhất trong các giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, những người trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, vào trận tuyến đấu tranh cách mạng… Nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí trong Xứ ủy, tính đến tháng 9/1937, Bắc Kỳ đã xây dựng được tổ chức đảng ở 12/24 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Đông, Cao Bằng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn).

Trên mặt trận đấu tranh công khai, đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí trong Xứ ủy rất quan tâm lãnh đạo công tác báo chí cách mạng. Ngày 15/9/1936, tờ báo Le Travail, cơ quan tuyên truyền của Đảng ở Bắc Kỳ ra số đầu tiên, đi đầu trong các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại phản động thuộc địa; tuyên truyền vận động thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi (Mặt trận dân chủ Đông Dương); lôi cuốn nhiều tờ báo khác ra đời như Tân xã hội, Tiếng trẻ, Nhành lúa; thúc đẩy thành lập báo Bạn dân của Đoàn Thanh niên dân chủ tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh niên, bạn trẻ trên cả nước. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị báo chí Bắc Kỳ gồm có 134 nhà báo Bắc Kỳ, đại biểu của giới báo chí Trung Kỳ, Nam Kỳ và một số nhà báo người Pháp diễn ra vào tháng 6/1937. Hội nghị đã tố cáo thực dân Pháp và tay sai khủng bố đàn áp báo chí Đông Dương, đề ra chương trình hành động chung đòi tự do nghiệp đoàn, tự do báo chí.

2.2. Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tham gia khôi phục, phát triển tổ chức đảng và tổ chức quần chúng

Tháng 9/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức được thành lập, đến tháng 11/1937 đổi thành Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ (lãnh đạo các tỉnh Bắc Kỳ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đồng chí Lương Khánh Thiện thôi giữ chức Bí thư lâm thời; tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí đã cùng với Thành ủy khẩn trương xây dựng, phát triển cơ sở đảng và tổ chức quần chúng; tích cực chắp mối liên lạc với các đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và các vùng nông thôn ngoại thành; chỉ đạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Nhờ đó, từ năm 1937, cơ sở đảng ở Hà Nội dần được xây dựng và phát triển mạnh vào năm 1938.

Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo và đóng góp nhiều công lao trong xây dựng Đảng bộ, lãnh đạo khôi phục, phát triển tổ chức đảng ở Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo phát triển tổ chức quần chúng, phong trào dân chủ và các phong trào đấu tranh công khai trong tình hình mới. Tập hợp, thu hút công nhân, thợ thủ công, tiểu thương để thành lập các hội Ái Hữu, Tương Tế…, đến cuối năm 1937 có 26 tổ chức; đặc biệt thành lập Đoàn Thanh niên dân chủ thành phố thu hút đông đảo thanh niên tiến bộ là lực lượng xung kích trong các phong trào yêu nước, phong trào truyền bá quốc ngữ.

Đồng chí Lương Khánh Thiện tiếp tục có nhiều cống hiến trong lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Đảng ở Bắc Kỳ. Đặc biệt là việc tổ chức cử đại biểu nhân dân các nơi lập ra ủy ban trù bị triệu tập Đông Dương Đại hội, để thảo ra bản nguyện vọng gửi phái đoàn điều tra (2), từ đó phát động quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức đòi Chính phủ Pháp đại xá tù chính trị, đòi cải cách dân chủ, đòi quyền lợi thiết thực… Đồng thời, tạo cơ sở tiến đến thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi ở Đông Dương, khẳng định vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng rộng lớn của Đảng trong quần chúng. Đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng tập thể Xứ ủy, các đảng viên hoạt động ở Bắc Kỳ rất quan tâm lãnh đạo phong trào công nhân, nhất là sau khi chính quyền thuộc địa ban hành một số chính sách có lợi cho người lao động ở Đông Dương. Đồng chí còn quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, tạo kinh phí hoạt động cho Đảng, như mở hiệu giặt là ở phố Hàng Khoai và hiệu may ở phố Mã Mây (Hà Nội) để vừa làm cơ sở liên lạc bí mật, vừa kiếm tiền gây quỹ cho Đảng.

Là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, đồng chí Lương Khánh Thiện còn có đóng góp trong việc thúc đẩy phong trào học chữ quốc ngữ. Đầu năm 1938, Đồng chí cùng tập thể Xứ ủy xây dựng chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ; Hội đã tổ chức một buổi diễn thuyết ở Hà Nội để trình bày tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa của chữ quốc ngữ, có tới 4.000 người theo học và phong trào học chữ quốc ngữ được hưởng ứng rộng rãi ở các địa phương khác.

Tháng 1/1939, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Nõn (Nọn) bị bắt. Đồng chí đồng chí Lương Khánh Thiện, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, được phân công đảm trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị đứng đầu Xứ ủy, trong bối cảnh chính quyền thực dân bắt đầu tiến hành các hoạt động trấn áp gắt gao, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quan tâm củng cố và phát triển tổ chức Đảng và phong trào cách mạng; chuẩn bị đề phòng những khó khăn sắp tới...

Ngày 4/5/1939, Đồng chí cùng với tập thể Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội huy động hơn 2 vạn người dân Hà Nội và đại diện của 14 tỉnh Bắc Kỳ, đại diện của cả Trung Kỳ, Nam Kỳ tổ chức đám tang tiễn đưa ông Phan Thanh - một thành viên tích cực trong việc lập Hội truyền bá quốc ngữ và là một nhà cách mạng có uy tín lớn trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội; thông qua đám tang đã biểu dương lực lượng, gây tiếng vang lớn trong các chính giới ở trong và ngoài nước.

Tháng 9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản, bắt bớ những người cộng sản Pháp. Ở Đông Dương, trước tình hình chính quyền thuộc địa đàn áp phong trào cách mạng, ngày 08/9/1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ (mở rộng) tại làng Vạn Phúc, Hà Đông để đưa ra các giải pháp bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ; chuyển các đồng chí hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, chuẩn bị các cơ sở vững chắc để hoạt động lâu dài. Hội nghị đã bầu đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công nhận công tác khác.

2.3. Thực hiện chủ trương của Đảng rút vào hoạt động bí mật, xây dựng căn cứ, giữ cương vị Bí thư Khu B và Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1939-1941)

Thực hiện chủ trương của Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 9/1939, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công bí mật lên Cát Trù, Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ để xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị địa bàn cho hoạt động bí mật của Đảng. Tại Phú Thọ, sau khi nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đồng chí Lương Khánh Thiện chọn chùa Trò (Cát Trù) làm địa điểm liên lạc và tổ chức chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Đồng chí tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng; trực tiếp giảng bài chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tiến hành vận động cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc cho nhiều quần chúng. Từ cuối năm 1939, thay mặt Xứ ủy, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, quyết định thành lập ba chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ; đồng thời chỉ đạo thành lập chi bộ ở Nhà máy Bột giấy Việt Trì; cả bốn chi bộ này đều do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo. Trên cơ sở những chi bộ đảng mới được thành lập và những tổ chức cách mạng đã có, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tổ chức Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Phú Thọ (tháng 3/1940), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở Phú Thọ, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phong trào cách mạng và tiến tới phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh ngày 25/8/1945, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cuối năm 1940, được sự tín nhiệm, phân công của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện nhận trọng trách làm Bí thư Khu B (còn gọi là Liên tỉnh B) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã bám sát địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng; in ấn và phát hành tờ báo Chiến đấu của Khu B, đưa tờ báo đến với nhiều chi bộ, các hội Ái hữu và các đoàn thể. Nhờ đó, kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cổ vũ phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng. Ngày 10/6/1940, lãnh đạo Khu B đã quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hải Dương, đánh dấu sự phát triển của các tổ chức đảng ở Khu B. Cuối năm 1940, Đồng chí chủ trì Hội nghị Khu B để thảo luận kế hoạch hưởng ứng cuộc đấu tranh Bắc Sơn và các vấn đề quan trọng khác.

Trước tình hình các tổ chức đảng ở Hải Phòng và một số nơi (thuộc Khu B) bị địch lùng sục đàn áp ráo riết, có chi bộ bị địch bắt và giết hết trở thành chi bộ trắng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quyết liệt chỉ đạo quán triệt phương thức hoạt động đơn tuyến, kêu gọi các tổ chức đảng, đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tránh làm lộ phong trào, nhất là khôi phục được chi bộ trắng đảng viên. Bên cạnh việc củng cố tổ chức là vấn đề phát triển đảng viên, đồng chí Lương Khánh Thiện đã yêu cầu phải khôi phục các chi bộ trắng bằng cách điều động đảng viên ở nơi khác về hoạt động. Nhờ sự lãnh đạo kịp thời của Khu ủy, trực tiếp là của đồng chí Bí thư Lương Khánh Thiện, tổ chức đảng ở Hải Phòng đã được xốc lại trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh việc củng cố tổ chức các cơ sở đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quán triệt sâu sắc trong các tổ chức đảng ở khu B thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 cùng với tài liệu Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đến các tổ chức đảng, đảng viên, công nhân tại Khu B để kịp thời nắm được đường lối, chủ trương của Đảng trong bối cảnh và nhiệm vụ mới.

Với cương vị Bí thư Khu ủy Khu B và Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã thấy được những khó khăn trước mắt và đặt quyết tâm lớn cùng với lãnh đạo Thành ủy phải khôi phục lại phong trào, hoạt động theo nguyên tắc tuyệt đối bí mật, đồng thời tăng cường bám sát địa bàn để tuyên truyền vận động nhân dân. Từ đó, các tổ chức đảng được khôi phục, tinh thần đấu tranh của quần chúng được nâng cao; nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra (như hơn 50 công nhân hãng ô tô Sina đòi tăng lương; 150 nữ công nhân nhà máy dệt thảm Hàng Kênh đình công đòi tăng tiền đan áo; 2.000 công nhân nhà máy Tơ đòi tăng lương, chống đánh thợ…). Các cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang, cổ vũ các phong trào công nhân, nông dân, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Lương Khánh Thiện đều nêu cao quyết tâm cách mạng, bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

3. Đồng chí Lương Khánh Thiện - người con ưu tú của quê hương Hà Nam

Đồng chí Lương Khánh Thiện được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hà Nam, có bề dày lịch sử, truyền thống yêu nước, hiếu học, cái nôi hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện trung thành với Đảng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí luôn học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn hoạt động cách mạng, dù trên cương vị nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Quê hương Hà Nam vinh dự, tự hào đã sinh ra người chiến sĩ cộng sản kiên trung, khí phách, mẫu mực Lương Khánh Thiện, một tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, không khuất phục trước kẻ thù. Những đóng góp, hy sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Hà Nam. Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, tinh thần cách mạng của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc bộ; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

*

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đây là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để chúng ta noi theo tấm gương sáng ngời tinh thần cống hiến hy sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện. Đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
_______________________

(1) Nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

(2) Tháng 01/1937, Chính phủ Pháp cử phái viên Guytxanh Gôđa sang Đông Dương để điều tra tình hình; Hà Nội dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, đòi phái viên Guytxanh Gôđa phải giải quyết vấn đề tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, thi hành luật...

      Tải Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 – 13/10/1923) file PDF tại đây.

Tác giả bài viết: Mai Hoàng Mai

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây