Cảnh báo khẩn về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ ba - 14/05/2024 08:35 88 0

          Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, nắm bắt kịp thời các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, đặc biệt đối với cuộc gọi, nhắn tin có nghi vấn lừa đảo. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi vấn mạo danh, lừa đảo.

         

        Vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cảnh báo đến người dùng Việt Nam nâng cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay. Cụ thể:

        CẢNH BÁO CHIÊU TRÒ MẠO DANH CÁN BỘ THUẾ ĐỂ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN:

      Chiêu trò lừa đảo giả danh cán bộ thuế hay công an để lừa đảo đã không còn quá xa lạ trên môi trường không gian mạng, tuy nhiên, các đối tượng giả danh này lại luôn thay đổi hình thức, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi.

       CẢNH BÁO NHÓM ĐỐI TƯỢNG MẠO DANH PHÓNG VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN BÁO CHÍ ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN:

          Đối tượng làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, các đối tượng đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở đó. Khi tìm ra các sơ hở, thiếu sót của các cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí. Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.

        Các đối tượng tổ chức hoạt động theo từng nhóm liên huyện, liên tỉnh, trao đổi thông tin về các cơ sở cho nhau. Khi một đối tượng lấy được tiền ở một cơ sở bất kỳ thì sẽ thông tin lại cho các đối tượng khác biết để tiếp tục đến cơ sở đó, gây sức ép là phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí khác nhằm cưỡng đoạt tài sản.

      “TỰ XƯNG” LÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐANG CÔNG TÁC TẠI SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG:

       Theo đó, vừa qua trên địa bàn tỉnh Tây Ninh “rộ” lên thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách gọi điện, nhắn tin “tự xưng” là Lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức đang công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông gọi điện, nhắn tin… đến số điện thoại di động của một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân để thông báo các nội dung, như: Số điện thoại của người nghe có liên quan đến vụ án, vụ việc do cơ quan Công an đang điều tra; Tài khoản cá nhân mạng xã hội đăng bài chống, phá Đảng, Nhà nước đang bị điều tra… nhằm uy hiếp, đe dọa, gây hoang mang, lo sợ.

      Nếu muốn được xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ thì phải làm theo hướng dẫn của các đối tượng, sau đó chúng dẫn dắt, hướng dẫn người nghe thực hiện theo các yêu cầu của chúng để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Nếu không được đáp ứng theo yêu cầu chúng sẽ lăng mạ, xúc phạm người nghe điện thoại).

      Trước những thông tin trên, ngày 17/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 720/STTTT-TTr về việc cảnh báo các cuộc gọi giả danh với mục đích lừa đảo nhằm thông tin đến đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh được biết, nắm bắt về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác với cuộc gọi, nhắn tin có nghi vấn. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi vấn mạo danh, lừa đảo.

      Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để lừa đảo. Chính Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người cao tuổi trong gia đình để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.

     Nếu phát hiện các trường hợp gọi điện, nhắn tin có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

     KHÔNG NÊN TÌM ĐẾN CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI GIỚI THIỆU CÓ THỂ LẤY LẠI TIỀN BỊ LỪA, TRÁNH ĐỂ BỊ MẮC BẪY CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG LỪA ĐẢO:

Người dân TUYỆT ĐỐI KHÔNG tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo

        Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị mọi người nên bình tĩnh lưu lại số điện thoại để làm chứng cứ và thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng bằng các hình thức sau:

        - Thực hiện phản ánh tới số Tổng đài 156 hoặc 5656 (Tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) bằng cách:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: LD (Số điện thoại lừa đảo) (Nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656);

Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng dẫn của điện thoại viên.

        - Phản ánh đến các cơ quan Công an ở địa phương;

       - Phản ánh về Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông – Số 6 Trần Quốc Toản, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh – Điện thoại: 0276.3631168.

 

Tác giả bài viết: Trúc Mai

Nguồn tin: Đài Truyền thanh Thành phố Tây Ninh:

Tổng số điểm của bài viết là: 75 trong 15 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 15 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây