Về nội hàm văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam

Thứ năm - 23/02/2023 18:19 300 0

            

 Ngay trong phần Đặt vấn đề, Đề cương  nhấn mạnh: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Cụm từ “bao gồm cả” cho thấy văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, trong đó bao chứa những thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.

                Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ra đời Đề cương, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Văn hóa là một vấn đề rất rộng lớn… Đề cương đi thẳng vào vấn đề văn hóa. Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”(1). Như vậy, tư tưởng, học thuật, nghệ thuật là ba thành tố cơ bản, thuộc về văn hóa được lựa chọn để nhấn mạnh, bàn thảo trong Đề cương, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình cấp bách lúc bấy giờ. Cũng theo cố Tổng Bí thư, căn cứ vào nội dung của Đề cương thì phải gọi là Đề cương về cách mạng tư tưởng và văn hóa Việt Nam mới thật chính xác.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/02/14/upload_6/anh-3decuong.jpeg?dpi=150&quality=100&w=780

Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn: Baotanglichsu.vn  

                Việc lựa chọn, xác định phạm vi của văn hóa ngay trong phần “Cách đặt vấn đề” của Đề cương cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng, học thuật và nghệ thuật đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; với vận mệnh nước nhà và công cuộc vun đắp nền văn hóa mới phong phú, giàu bản sắc.

               Trong bối cảnh thực dân, phát xít lợi dụng mọi chiêu bài, thủ đoạn thâm độc để ru ngủ người dân An Nam bằng rượu cồn và thuốc phiện; chúng ra sức thực hiện chính sách ngu dân, “nhồi sọ”, truyền bá tư tưởng phản động, reo rắc sự hoài nghi, bi quan, hắc ám về tiền đồ, tương lai dân tộc; cổ vũ chủ nghĩa “Đại Đông Á”; mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa,… gây ra bầu không khí ngột ngạt, đẩy một số văn sĩ, trí thức vào những bi kịch không lối thoát. Trước ngã ba đường của sự lựa chọn, một số nhà văn nhẹ dạ cả tin, bị dụ dỗ, mua chuộc, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút phục vụ cho chính sách cai trị của thực dân, phát xít, viết lên những tác phẩm đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc; có nghệ sĩ chạy trốn, thu mình trong tháp nghệ thuật, tự ru mình bằng những vần thơ cô đơn, hoài nghi, chán chường thực tại; một số nghệ sĩ thì trăn trở, băn khoăn trong quá trình “nhận đường, tìm đường” đến với cách mạng, kháng chiến.

                Nhằm đả thông tư tưởng, “thức tỉnh” người nghệ sĩ, trí thức, vấn đề tư tưởng đã được đặt ra trong Đề cương như một vấn đề trọng tâm, nhằm “tranh đấu về học thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta)… làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”(2). Việc xác định rõ lập trường tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho quá trình vận động, phát triển của đất nước cũng như mục tiêu hướng đến của toàn dân là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẽ góp phần “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân. Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”(3).

                Tư tưởng là vấn đề trọng tâm, là hạt nhân của nền văn hóa. Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hoá”(4). Bàn về những chuyển biến trong đời sống tư tưởng những năm đầu đổi mới, Nghị quyết của Đảng nhận định: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo ngày càng tỏ rõ giá trị vững bền làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng nước ta, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho đời sống tinh thần xã hội phát triển đúng hướng. Ý thức phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước. Nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Tính năng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội tăng lên.

                Cùng với tư tưởng, học thuật là một thành tố (lĩnh vực) được đặc biệt nhấn mạnh. Dưới chính sách cai trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Tố cáo, lên án những chính sách tàn bạo của thực dân Pháp, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta… Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”(5). Trong tình cảnh đó, đại đa số người dân Việt Nam mù chữ, không được đến trường. Vì không biết chữ dẫn đến ý thức về bổn phận, trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền, tập hợp, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó vấn đề học thuật, nâng cao trình độ dân trí, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được đặt ra cấp thiết. Nhiệm vụ khai dân trí được đặt lên vai của những người làm cách mạng và là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Đề cương đề ra những nhiệm vụ cần kíp cần phải được tiến hành ngay lúc bấy giờ, đó là: Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết. Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói. Ấn định mẹo văn ta. Cải cách chữ quốc ngữ. Tuyên truyền và xuất bản. Chống nạn mù chữ.

                Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề học thuật, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các cuộc vận động, các phong trào xây dựng đời sống mới, thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân. Với tinh thần, quyết tâm cao, một tuần lễ sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Chỉ trong vòng hơn một năm, hai triệu người vốn bị mù chữ đã biết đọc, biết viết.

                Bên cạnh yếu tố tư tưởng, học thuật thì nghệ thuật được xác định là bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa. Nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

                Nghệ thuật là bộ phận sinh động của văn hóa, bao gồm những hoạt động sáng tạo, thực hành, trình diễn phong phú, đa dạng, thuộc nhiều loại hình và phương thức thể hiện, phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm, lối sống, nếp nghĩ của nhân dân. Nghệ thuật có vai trò, sức mạnh vô cùng lớn trong việc đấu tranh, giải phóng dân tộc, ngợi ca cái đẹp, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng. Nhấn mạnh đến vai trò to lớn của nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vǎn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(6). “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em vǎn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(7).

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2023/02/14/upload_673/vanhoa1.jpg?dpi=150&quality=100&w=780

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Tuần lễ Triển lãm văn hóa, tháng 10/1945. (Ảnh tư liệu) 

                Nhấn mạnh đến 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đảng cũng đã đề ra 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới, đó là: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Những thành tố và những nguyên tắc này đều có mối quan hệ biện chứng, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau để tạo nên một nền văn hóa mà tư tưởng thấm đẫm tinh thần dân tộc; học thuật phải mang tính khoa học, chống lại những gì phản tiến bộ, những cái lạc hậu, bảo thủ, đồng thời không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nghệ thuật phải thấm đẫm tinh thần nhân dân (đại chúng), nghệ thuật thuộc về nhân dân, phản ánh tâm tư, tình cảm và những mong ước, khát vọng của nhân dân.

                Ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khi nước nhà còn chìm trong bóng đêm nô lệ, nhân dân chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột, Đảng phải lui về hoạt động bí mật, Đề cương không thể đề cập đến mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của văn hóa. Cũng tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Đề cương, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: Đề cương văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điểu kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện đó của cách mạng Việt Nam.

                Kế thừa những quan điểm, định hướng về xây dựng, phát triển nền văn hóa mới Việt Nam được đề cập trong Đề cương, 80 năm qua, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới, làm sâu sắc thêm nội hàm, phạm vi các lĩnh vực thuộc văn hóa cũng như vai trò của văn hóa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

                Về phạm vi, nội hàm của văn hóa, Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII, bổ sung thêm các lĩnh vực như: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.

                Sau 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương năm khóa VIII, năm 2014, Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc là nhân tố con người: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

                Nghị quyết cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

                Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hoá là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau... Nhưng chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng: thì văn hoá là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định... Nghĩa hẹp: thì văn hoá là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức... Văn hoá cũng bao gồm cả văn hoá vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, di sản văn hoá, những sản phẩm văn hoá: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ,...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...)… Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”(8).

                Như vậy, tùy thuộc vào bối cảnh, tình hình khách quan và thực tiễn phát triển của đất nước, Đảng đã không ngừng đổi mới tư duy nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

                80 năm qua, dù hiện thực có nhiều đổi thay nhưng những tư tưởng, quan điểm mang tính định hướng được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn là những tư tưởng nền tảng, soi đường cho sự vận động, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay./.

---------------------------

(1) Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 5, 12

(2), (3) Văn kiện của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 11

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 42

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 1-2

(6), (7) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 19,7

(8) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 158-159

TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Tác giả bài viết: Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây