Tây Ninh - Thành tựu chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển và hội nhập (30/4/1975-30/4/2025)

Thứ ba - 08/04/2025 09:56 20 0

Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước đã mở ra thời kỳ mới cho Tây Ninh, từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trải qua 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết quân và dân Tây Ninh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phần thứ nhất

TÂY NINH - NHỮNG NĂM ĐẦU SAU NGÀY GIẢI PHÓNG

Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phương châm xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, trong vòng một tuần lễ, từ đêm ngày 24/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân Tây Ninh đã tổng tấn công địch. Các huyện lần lượt được giải phóng. Đúng 11 giờ, ngày 30/4/1975, Thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) được giải phóng hoàn toàn. Tây Ninh hoàn toàn được giải phóng. Đây là thành quả cách mạng đầy gian khổ, hy sinh xương máu của biết bao thế hệ, anh hùng, liệt sĩ, quân và dân Tây Ninh để có được ngày hoà bình, độc lập, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Giải phóng đỉnh Núi Bà Đen, sáng ngày 07/01/1975 (Ảnh: Tư liệu)

Những năm đầu, sau ngày đầu giải phóng, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã đoàn kết, chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng hoà nhịp cùng cả nước để phát triển, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Chúng ta nhìn lại thành tựu qua chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển và hội nhập để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phát huy lòng tự hào, truyền thống cách mạng, tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phần thứ hai

THÀNH TỰU QUA CHẶNG ĐƯỜNG

50 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Sau ngày 30/4/1975, tỉnh Tây Ninh có 73 xã, trung tâm tỉnh là thị xã Tây Ninh, với dân số khoảng 655.000 người. Đến nay, tỉnh có 09 đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh (06 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố), 94 đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện (71 xã, 17 phường, 06 thị trấn), dân số toàn tỉnh 1.202.769 người.

I. Về kinh tế

Bước vào năm 1976, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh quyết tâm cùng cả nước bắt đầu thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) hướng về 2 mục tiêu vừa cơ bản, vừa cấp bách mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đề ra là “bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích luỹ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Dân số Tây Ninh lúc ấy ước lượng khoảng 65,5 vạn người, với mật độ dân cư 163 người/km². Kinh tế những năm đầu phát triển chủ yếu về nông nghiệp, chiếm 89% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Nền công nghiệp hầu như chưa có gì (chỉ chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế). Đến năm 2000, tỉnh có quy mô nền kinh tế đạt 4.044 tỷ đồng, gấp 365 lần năm 1986 (quy mô đạt 11,08 tỷ đồng). Đến năm 2025, quy mô nền kinh tế ước đạt 139.950 tỷ đồng.

Nhân dân Tây Ninh vui mừng đón nước hồ Dầu Tiếng về đến kênh Tây Trong ảnh: Cầu K13, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu

II. Phát triển văn hoá – xã hội; văn học nghệ thuật

Sau ngày giải phóng, tỉnh có 60/73 xã bị tàn phá hoàn toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Bến Cầu đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được thay đổi rõ nét.

Sau chiến tranh, những tàn dư chính trị và văn hóa của chế độ thực dân, đế quốc phản cách mạng vẫn còn tồn tại. Trường lớp và giáo viên thiếu trầm trọng, nhất là vùng nông thôn. Cả tỉnh chỉ có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo phần lớn được cải tạo từ các cơ sở cũ bị hư hỏng do chiến tranh. Trình độ học vấn người dân rất thấp. Số đông người dân còn mù chữ. Đến tháng 12/1997, Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2005 được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến cuối năm 2015, 1/4 số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học phổ thông; 1/5 số đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được đầu tư khang trang, hiện đại. Chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí của tỉnh không ngừng được nâng lên; 99,7% người trong độ tuổi 15-35, 97,4% người trong độ tuổi 36-60 biết chữ; tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề chiếm khoảng 60%, trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 15%. Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; trẻ 6 tuổi ra lớp hàng năm đạt 100%. Tính đến nay, tỉnh có 133 trường mầm non, mẫu giáo (73 trường đạt chuẩn), trong đó có 108 trường công lập và 25 trường ngoài công lập, với 96 điểm lẻ; có 306 cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm 177 trường tiểu học (115 trường đạt chuẩn), 101 trường THCS (50 trường đạt chuẩn) và 28 trường THPT (10 trường đạt chuẩn); cơ sở vật chất trường lớp ngày khang trang, hiện đại, chuẩn hoá.

III. Quốc phòng-An ninh; công tác đối ngoại

Bên cạnh tình hình trên biên giới Việt Nam - Campuchia lại nảy sinh những diễn biến ngày càng phức tạp. Pôn Pốt có những hành động gây hấn, lấn chiếm đất, gây ra những tranh chấp dọc biên giới; đẩy mạnh hoạt động chống phá, xem Việt Nam là kẻ thù, ra sức kích động hận thù giữa hai dân tộc.

Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, bọn Pôn Pốt đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh. Trước tình thế đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tây Ninh đã đề ra chủ trương bang giao đúng đắn, kịp thời huy động lực lượng vũ trang, chính quyền các địa phương và nhân dân trong tỉnh giúp bạn bằng mọi cách như: Liên lạc đón rước, bảo vệ người dân lánh nạn về tỉnh an toàn, chăm lo ăn, ở, cung cấp thuốc men điều trị bệnh cho nhân dân Campuchia, thân nhân gia đình cán bộ và các lực lượng cách mạng Campuchia lánh nạn sang Việt Nam. Đón rước các cán bộ trung kiên của bạn cùng gia đình còn kẹt lại bên đất bạn. Tính đến cuối năm 1978, lực lượng tỉnh đã đón về Tây Ninh 21.547 người, trong đó có gia đình thân nhân của đồng chí Hên Xomrin, Chia Xin, Tia Banh và các đồng chí lãnh đạo khác.

Qua các giai đoạn triển khai thực hiện, tỉnh Tây Ninh đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển; công tác đối ngoại được quan tâm thường xuyên đạt kết quả tích cực, giữ vững đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế, chủ động xúc tiến quan hệ hợp tác với địa phương các đối tác tiềm năng; thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác với 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ngoài, gần 20 tổ chức phi chính phủ quốc tế; góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác.

ĐBP Tây Ninh tuần tra, bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia

IV. Xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh

Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm thực hiện. Tỉnh uỷ đã mở nhiều đợt phát động trong Đảng và quần chúng, phê bình và tự phê bình để củng cố Chi bộ, phát triển đảng viên mới. Đến năm 1977, tổng số đảng viên có 5.178 đồng chí. So với năm 1976 tăng 1.220 đảng viên (trong đó kết nạp mới tại chỗ 543 đảng viên). Số chi bộ hiện có 448 chi bộ, trong đó có 71 chi bộ xã; 5 Đảng uỷ xã; 417 Chi bộ cơ quan, so năm 1976 tăng 30 Chi bộ xã và 116 Chi bộ cơ quan. Tính đến ngày 10/3/2025, Tây Ninh có 14 đảng bộ cấp trên cơ sở (gồm 01 đảng bộ thành phố; 02 đảng bộ thị xã; 06 đảng bộ huyện; 03 đảng bộ thuộc lực lượng vũ trang; 01 Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh; 01 Đảng bộ Uỷ ban nhân dân tỉnh). Toàn tỉnh có 560 tổ chức cơ sở đảng (184 đảng bộ cơ sở và 376 chi bộ cơ sở), 19 đảng bộ bộ phận, 1.712 chi bộ trực thuộc với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh là 40.477 đồng chí…. Giai đoạn 2020 - 2025, bình quân mỗi năm, có 97,27% tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trong đó, có 98,75% đảng bộ xã biên giới được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 425 tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tính đến hết năm 2024).

 

Phần thứ ba

SẴN SÀNG CÙNG CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI

Dự báo trong giai đoạn tới tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng. Những thách thức từ an ninh phi truyền thống, nhất là sự gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao tác động lớn đến các mặt của đời sống xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh khó tiên liệu. Tình hình ngoại biên tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Vị trí cửa ngõ, biên giới là thách thức không nhỏ về quốc phòng - an ninh của địa phương. Hạn chế, khó khăn của địa phương cũng tác động đến sự phát triển của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, tỉnh đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển chủ yếu là: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc; tạo điều kiện, tập trung đầu tư Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp, đặc sắc mang tầm quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, các dự án có tính dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiện thực hóa dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đẩy mạnh phát triển đô thị theo quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ. Tạo sự chuyển biến toàn diện về văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, trật tự, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao; từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp; chủ động, tích cực, hiệu quả trong công tác đối ngoại. Tập trung thực hiện 03 đột phá chiến lược: (1) Đột phá về phát triển hạ tầng bền vững, nhất là hệ sinh thái công nghiệp, đô thị. (2) Đột phá về thể chế, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về quy hoạch, đầu tư, đất đai; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và triển khai mô hình quản trị công hiệu lực, hiệu quả. (3) Đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Với niềm tin sâu sắc vào đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; với truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương trung dũng kiên cường; sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và cùng phấn đấu xây dựng Tây Ninh tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, toàn diện hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền tảng để sớm đưa tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH UỶ

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Toàn (st)

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây