Đề án 06 và 5 lợi ích về bảo hiểm xã hội với người dân, doanh nghiệp

Thứ tư - 22/05/2024 14:35 267 0

Thời gian qua, trên nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai Đề án 06 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Các kết quả đạt được đã và đang phục vụ hiệu quả cho các hoạt động công tác của ngành, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Bám sát các nội dung cốt lõi của Đề án và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an - cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai 5 nhóm tiện ích phục vụ thiết thực người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, tất cả thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức. Đó là: Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, Ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số, các tổ chức IVAN. 20/25 thủ tục hành chính (chiếm 80%) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai thành công 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Cụ thể là: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng; và 3 dịch vụ công trực tuyến được giao tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022.

Hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên Hệ thống Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Hệ thống được triển khai tập trung toàn ngành). 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được số hóa (trả kết quả bản điện tử).

Đồng thời, để thực hiện các nhiệm vụ chung được giao tại Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai liên thông dữ liệu điện tử giấy khám sức khỏe lái xe (phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến), giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở khám, chữa bệnh qua hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 4,3 triệu dữ liệu điện tử của 3 loại giấy tờ nêu trên được liên thông qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Những kết quả đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ngày càng thuận tiện, không cần giao dịch trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội; giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí, không bị ảnh hưởng bởi không gian, thời gian, tình hình sức khỏe, thời tiết.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân có thể chủ động theo dõi quá trình, kết quả giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch.

Đặc biệt, với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, người dân chỉ cần khai báo một lần để thực hiện 3 thủ tục hành chính tại 3 cơ quan nhà nước khác nhau và khi có kết quả sẽ được thông báo đến 1 cơ quan để nhận (hoặc nhận qua dịch vụ bưu chính công ích tại nhà) đầy đủ giấy tờ, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức đi lại…

Thực hiện mục tiêu từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp bản điện tử của sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số từ năm 2020 và từ ngày 1/6/2021 triển khai sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc và được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tiếp đó, trên cơ sở đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, người bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

Con số này tăng khoảng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Đặc biệt, ngày 22/3/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, dữ liệu của người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được đồng bộ, cập nhật thường xuyên với cơ sở dữ liệu về dân cư, giúp tăng cường hơn nữa độ chính xác, giúp chi trả đúng người; tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ.

Việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đã và đang mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, được đông đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đón nhận.

Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức.

Tính đến nay, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 2 Cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia trong việc kê khai, hoàn thiện thủ tục.

Bên cạnh đó, với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối kỹ thuật, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an cấp (tài khoản VNeID) để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (triển khai từ tháng 10/2023).

Theo thống kê trên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay đã có hơn 10 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số.

Việc triển khai này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.

Tính đến nay, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao. Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu được Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Ngành.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung (Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng và phục hồi thảm họa) và bảo đảm an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, bảo đảm 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động của ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (E-Office); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp); 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ người dân trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng và vận hành chính thức Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Hệ thống thường xuyên được phát triển, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các chức năng, tính năng, bảo đảm quyền lợi người tham gia ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hơn 621 nghìn đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ngày càng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số. Qua ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực mà đối tượng thụ hưởng là chính người dân và doanh nghiệp, giúp việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng kịp thời, nhanh chóng, chính xác, nâng cao chất lượng phục vụ.

Nhóm Phóng viên

Tác giả bài viết: Thúy Hồng (Tổng hợp)

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 89 trong 18 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 18 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây